• Làm gì khi bé bộc lộ khiếu hội họa?

    "Tôi có con gái 4 tuổi, cháu rất thích vẽ và tỏ ra có năng khiếu về hội họa. Tôi lại không có kiến thức gì về nghề thuật này, vậy làm sao để phát huy được khả năng của cháu?".

    Trả lời: Ở lứa tuổi của con chị, có thể một số khuynh hướng đã bộc lộ khá rõ ràng và nếu được khuyến khích đúng, kịp thời, trẻ sẽ có cơ hội phát huy được những năng khiếu đó. Không cứ phải biết về nghệ thuật mới phát triển được khả năng nghệ thuật ở con mình. Edison trở thành nhà khoa học nổi tiếng trong khi cha mẹ ông là những người lao động nghèo. Moza là thần đồng âm nhạc trong khi cha ông chỉ là một người yêu nhạc. Không phải cha mẹ của danh họa nào cũng hiểu biết về hội họa. Ngược lại, cũng không phải nghệ sĩ tài ba nào cũng sinh ra những đứa con đủ khả năng nối nghiệp họ. Cha mẹ không phải là người truyền thụ tất cả những hiểu biết của mình cho con cái, và con cái không phải là bản sao về mặt trí tuệ, kiến thức của cha mẹ mình. Quan trọng là làm thế nào để khuyến khích khả năng của trẻ. Với năng khiếu hội họa, có một số cách giúp trẻ: Phát triển năng lực quan sát: Hội họa và quan sát gắn liền với nhau. Hãy giúp trẻ nhận biết và quan sát sự vật, sự việc xảy ra xung quanh, nhận ra sự khác biệt giữa chúng, tìm được điểm nhấn của mỗi sự vật, sự việc mà trẻ quan sát. Phát triển trí tưởng tượng: Đưa ra các tình huống để trẻ phải tưởng tượng. Ví dụ, bảo trẻ tưởng tượng ra cảnh mẹ vắng nhà và trẻ vẽ bức tranh về đề tài đó. Tưởng tượng là quá trình tâm lý khá quan trọng đối với sáng tạo nghệ thuật, nhất là hội họa. Hãy trò chuỵện với bé về những sự vật, sự việc cụ thể hằng ngày đang xảy ra quanh bé, hoặc thử tạo ra những sự vật mới dựa trên những sự vật cũ, hay nhìn sự vật, sự việc cũ bằng cách nhìn mới. Phát triển thế giới cảm xúc: Giúp trẻ được trải nghiệm những cảm xúc khác nhau và mô tả cảm xúc bằng tranh. Khi được xúc cảm chỉ huy, những bức tranh sẽ “có hồn” hơn, ngay cả khi đó chỉ là những nét vẽ nghuệch ngoạc. Khuyến khích tích cực: Đừng thờ ơ với bất kỳ nét vẽ nào của con, nhất là khi trẻ muốn có một lời nhận xét từ người lớn. Hãy nhận xét đúng như bạn cảm nhận và đừng những lời khen tích cực, tạo cho bé một sự phấn chấn, tự tin và muốn được tiếp tục thể hiện. Cho trẻ đến thăm viện bảo tàng, xem các bức tranh nổi tiếng, kể cho trẻ nghe về những danh họa... Điều này cung cấp kiến thức về hội họa và cổ vũ sự say mê, khả năng vượt khó của trẻ trên con đường đến với nghệ thuật của mình. Chuyên gia Nguyễn Yến Nhi thuộc EQuest Group (Trung tâm tư vấn phát triển tài năng trẻ em)

    Việt Báo (Theo_VnExpress ) 
     

    Ngày đăng: 20-04-2017 981 lượt xem